Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

TÁCH ĐẢNG KHỎI CHÍNH QUYỀN

Bs Nguyễn Đan Quế
 
 TÁCH ĐẢNG KHỎI CHÍNH QUYỀN

VẬN DỤNG THẾ CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU MỚI HỢP TÁC BẮC – NAM VÀO TÌNH HÌNH HIỆN NAY CỦA VIỆT NAM
Tất cả mọi diễn tiến kinh tế, chính trị, quân sự trên thế giới, trong vùng Đông Nam Á– Thái Bình Dương cũng như tại Việt Nam và Biển Đông đang ở thế động biến rất mạnh.
30-4-1975 Mỹ hoàn toàn rút khỏi cuộc chiến Việt Nam. Tầu – Nga chấm dứt quân viện cho Việt Nam. Nay cả ba siêu cường này đều trở lại, chủ yếu bằng con đường kinh tế, dĩ nhiên kèm theo ý đồ chính trị, rất khó lường hết nhất là với Tầu Cộng. Hai siêu cường Nhật và Đức (cùng EU) cũng đã xông vào qua ngả đầu tư và thương mại.

Riêng Tầu Cộng, cường quốc mới nổi, đang từ bỏ kinh tế chỉ huy, chuyển sang kinh tế thị trường và có những thay đổi chiến lược lớn:
  • vừa xoay vào Thế Hợp tác / Cạnh tranh Liên hoàn với các siêu cường Mỹ, Nhật, Đức, Nga.
  • vừa thiết đặt những cơ sở làm ăn kinh tế chi phối các nước nghèo, đa số ở về Nam Bán Cầu. Điều này cũng giúp củng cố địa vị của Tầu trong Thế Liên hoàn.
Đối với láng giềng phương nam cũng theo cộng sản, Tầu Cộng ép Việt Nam ký Hiệp định biên giới trên bộ cuối năm 1999, Việt Nam mất khoảng hơn 1000 km2; và trên biển:
1956, sau Genève, Tầu Cộng chiếm một số đảo về phía đông của quần đảo Hoàng Sa.
1958 Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Chu Ân Lai công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Tầu Cộng.
1974, sau khi ký Paris, Tầu Cộng chiếm tất cả Hoàng Sa.
1988 Tầu Cộng chiếm bãi đá Gạc Ma của Trường Sa và 1995 chiếm thêm bãi đá Vành Khăn.
2000 Tầu Cộng ký phân chia Vịnh Bắc Bộ: Theo giới nghiên cứu phía Việt Nam bị thiệt khoảng 10.000 km2 so với Công ước Pháp – Thanh 1887.
TỪ QUÁI CHIÊU HD.981 &TPP ĐẾN…
Quái chiêu HD 981
Màn 1
3-5-2014 Tầu Cộng ngang nhiên mang dàn khoan HD.981 đặt ở phía Tây quần đảo Hoàng Sa, ngoài khơi ngang Đà Nẵng. Lập tức Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam (BCT) bị du vào thế hoàn toàn bị động, buộc phải lựa chọn: Chống hay Không Chống.
  • Chống công khai ra mặt. Tầu Cộng ‘dứt sữa’ ngay. Hà Nội khó lòng tồn tại.
  • Hay không chống. Vừa chậm có thái độ, quần chúng phản đối ngay. Ngày 11-5-2014  giới trẻ Saigon và Hà nội rầm rộ biểu tình, Hà Nội nương theo kiểm soát, nhưng không đi ngược lại. Chỉ hai ngày sau 13-5 công nhân Bình Dương và Vũng Áng (Hà Tĩnh) đốt phá một vài cơ sở đầu tư của người Hoa và của nhiều nước khác. Khi tình hình vừa mới có vẻ vượt khỏi tầm tay, Hà Nội đàn áp liền, sợ Bắc Kinh kết tội là chống.
Toàn dân Việt Nam từ Nam chí Bắc chỉ trích nặng nề BCT là thuộc đồ bán nước mà lại ‘hèn với giặc ác với dân’.
Dầu đã mạnh tay đàn áp, Tầu Cộng vẫn không hài lòng, cho rằng để xẩy ra như vậy không được!
Màn 2
15-7-2014  Tầu Cộng rút dàn khoan HD.981 về.
Vài ngày sau Dương Thiết Trì sang Hà Nội, kêu gọi đứa con đi hoang phải trở về nhà ngay.
28 và 29-8-2014  Tập Cận Bình đồng ý tiếp sứ giả của Nguyễn Phú Trọng là Lê Hồng Anh sang Bắc Kinh tỏ bầy ăn năn hối lỗi. Từ nay tiếp tục xin lại được trung thành với 4 tốt và 16 chữ vàng, hứa không để những vụ việc biểu tình, hay đốt phá cơ sở người Hoa tái diễn nữa và cam kết bồi thường thiệt hại thỏa đáng.
Màn 3
Dưới đây là những gì mẹ Tầu ‘bồi thêm’ cho đứa con vừa đi hoang về:
- Quốc khánh 2-9-2014 của Việt Nam Tầu Cộng tổ chức tour du lịch ra Hoàng Sa.
- Tuyên bố sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không ở biển Đông.
- Tân Hoa xã ngày 8/10 loan tin đường băng cho máy bay vừa mới xây xong trải dài băng qua đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa..
- Đắp thêm hai bãi đá ngầm Gạc Ma và Vành Khăn thành đảo nổi, cải tạo địa hình và xây dựng cơ sở.
16-10 Tầu Cộng tiếp 13 tướng cao cấp nhất của Hà Nội. Chuyên gia về Việt Nam có nhận xét: "Hai bên cùng tìm cách trấn an nhau về việc làm sao để quân đội đứng bên ngoài tranh chấp biển đảo."
    - 16-10  Đài Loan lên tiếng đang xây dựng cảng trên hòn đảo Ba Bình lớn nhất của Trường Sa. Hải cảng này sẽ cho phép chiến hạm và tàu hải giám nặng 3.000 tấn vào ra. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015.Bắc Kinh lên tiếng ủng hộ, nói việc này ‘không có gì phải phê phán’.
Và một loạt chuyện khác như: lâu lâu lại cho công bố một tài liệu mật bấy lâu được giữ kín giữa hai đảng (như công hàm 14-9-1958 của Phạm Văn Đồng công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Tầu Cộng), cho tình báo tung tin gây chia rẽ nội bộ (điển hình Hoàn Cầu thời báo đăng tin ở Hội nghị Thành Đô 1990 Hà Nội nguyện biến Việt Nam thành khu tự trị vào năm 2020), lũng đoạn nền kinh tế Việt…
    - 20-10-2014   Blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải chống Tầu Cộng được ra tù và đi Mỹ. Có lẽ cũng là để làm vừa lòng Bắc Kinh.
     Chắc chắn còn tiếp diễn nhiều màn nữa khiến người dân Việt phải sửng sốt sững sờ khi Tầu Cộng công bố thêm những điều mình muốn biết mà chưa được biết; và BCT dù ngậm đắng nuốt cay nhẫn nhục đến đến thế nào chăng nữa cũng khó chịu đựng nổi.
Hậu quả chính trị là gì?
Rất rõ ràng, người Việt trong cũng như ngoài nước thấy ngay: BCT bị hạ nhục dài dài giữa thanh thiên bạch nhật.
Uy tín xuống đất đen, làm sao BCT lãnh đạo hơn 90 triệu người trong khi nền kinh tế lụn bại đang trên sa đà phá sản, nợ công và nợ xấu ngập đầu, tham nhũng tràn lan, hệ thống chính trị bế tắc và nghẹt thở, quần chúng bất mãn đòi bỏ Xã Hội Chủ Nghĩa… Nhìn trước sau thấy chỉ còn một cách duy nhất có thể giúp thoát hiểm: TPP.
Phao cứu sinh TPP
TPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gồm 12 nước. Đầu tầu là hai siêu cường kinh tế Kỹ-thuật-cao Mỹ và Nhật. Còn đang trong vòng thương thảo.Theo dự kiến sẽ ký 2015. Phao cứu sinh TPP được chìa về phía chính quyền đang rất cần thuốc tăng lực TPP.  
TPP của Mỹ và Nhật (cùng với những hiệp ước đối tác của EU, Canada, Úc, cũng như ASEAN trở thành cộng đồng kinh tế vào 2015) luôn có 2 mặt:
  • Một mặt, có thể cứu nền kinh tế Việt Nam đang nguy khốn, nhưng phải theo kinh tế thị trường. Đáp ứng mưu sinh ‘thoátTrung’, nhưng Hà Nội phải thay đổi hoàn toàn cơ chế điều hành nền kinh tế theo qui luật thị trường, đoạn tuyệt hẳn với kinh tế nhà nước chỉ huy.
  • Mặt khác, Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, phải thả hết tù nhân lương tâm, phải tôn trọng luật lao động, phải để công nhân lập công đoàn độc lập, phải tôn trọng tự do tôn giáo…
… ĐẾN PHONG TRÀO DÂN CHỦ VIỆT NAM (PTDCVN)
Trong tình hình đó, Phong trào Đấu tranh cho Nhân Quyền và Dân Chủ Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển trong lòng dân rộng khắp trên cả nước. Đã có những phối hợp giữa các tổ chức xã hội dân sự, giữa các thành phố, các tỉnh nhưng còn ở mức độ thấp. Sẽ nhanh chóng kết hợp lại khi cơ hội thay đổi đến, khi cục diện đất nước đòi hỏi.
Khởi động tiến trình Dân Chủ Hóa Việt Nam, trước hết phải tách đảng khỏi chính quyền bằng Sức Mạnh Quần Chúng (SMQC).
SMQC tác động trên thế đảnglực chính quyền của độc tài cộng sản.
Cả hai thế và lực nay đều:
  • Đang đi xuống.
  • HD.981 đánh vào đảng bắt qui phục Bắc phương; trong khi phao cứu TPP lại nhử chính quyền ngả về Tây phương.
Cũng nên biết Mỹ, Tầu đang đi vào Hợp tác / Cạnh tranh trong Thế Chiến Lược Toàn Cầu Mới. Vậy làm gì có dây mà ‘đu đưa’ giữa hai siêu cường này. Thực tế đang diễn ra là: Đảng và chính quyền cộng sản đang bị kéo căng ra theo hai hướng khác chiều. Cuối cùng, chính SMQC có sứ mạng lịch sử là tách đảng ra khỏi chính quyền. Dĩ nhiên, với rất nhiều thách thức, khó khăn, gian khổ.
Tách đảng khỏi chính quyền là tiền đề cho tiến trình Dân Chủ Hóa Việt Nam. Chúng tôi sẽ trình bầy tiến trình này trong tương lai.
BCT bắt đầu lờ mờ cảm thấy ‘ly hôn đảng – chính quyền’ là điều không thể tránh khỏi, làm sao cưỡng lại lòng dân, làm sao đi ngược lại Thế Chiến Lược Toàn Cầm Mới Hợp Tác Bắc – Nam, vốn chủ trương đưa ASEAN đi vào hòa bình, an ninh, ổn định, và hợp tác vùng để phát triển ./.



Bs Nguyễn Đan Quế
21-10-2014

NHỮNG BIÊN GIỚI ‘MÔI HỞ RĂNG LẠNH’

NHỮNG BIÊN GIỚI ‘MÔI HỞ RĂNG LẠNH’


Bs Nguyễn Đan Quế

NHỮNG BIÊN GIỚI ‘MÔI HỞ RĂNG LẠNH’

  1. VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI MIỀN BẮC
1858 Pháp nổ phát súng đầu tiên đánh vô Đà Nẵng.
1862 Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông và 1967 chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ.
1895 Pháp vẽ bản đồ Đông Dương sau khi ký hiệp ước với triều đình Mãn Thanh ấn định biên giới dài 1300 km giữa Việt Nam và Trung Cộng.
1928 Để chống Pháp, Hồ Chí Minh thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương, hoạt động ở cả Việt - Miên - Lào, với sự trợ giúp của đảng Cộng Sản Tầu.
Năm 1941, Hồ Chí Minh về Việt Nam lập chiến khu dọc theo biên giới tiếp giáp với Tầu. Để bảo đảm an toàn, đoạn chót đường tầu hỏa và đường bộ của Tầu ăn sâu vào lãnh thổ Việt Nam có nơi 500 mét, nhiều nơi đến cả cây số và nơi này dùng làm an toàn khu đặt cơ quan đầu não, huấn luyện cán bộ, dưỡng quân, tiếp nhận và cất dấu vũ khí. Nếu Pháp hành quân hay dùng máy bay oanh tạc vùng này, Tầu sẽ la lên là vi phạm lãnh thổ của họ.
28-2-1972 Tầu Cộng ký thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ để lộ chiều hướng chuyển từ đối đầu sang hợp tác, bảo đảm cho Mỹ có thể an toàn rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.
27-1-1973 Ra đời Hiệp định Paris ‘Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam’.
Cuộc chiến Việt Nam kết thúc ngày 30-4-1975.
Từ năm 1975 đến cuối năm 1978, biên giới Việt Nam - Campuchia triền miên rối loạn. Đầu năm 1979 Việt Nam tiến quân sang Campuchia. Tầu liền tiến quân sang ‘dậy cho Việt Nam một bài học’, chiếm  vùng dọc theo biên giới (mà trước đây trong thời kỳ chống Pháp Hà Nội ‘ngầm giao’ cho họ nhờ bảo đảm an toàn) nói là phần đất của họ.
Việt Nam mất khoảng 1000km2 dọc biên giới với Tầu, trong đó có Ải Nam Quan, có cao điểm ở Bắc Giang, thác Bản Giốc…
Đầu năm 1991 quan hệ Tầu – Việt mới chính thức được nối lại sau Hội nghị Thành Đô. Nhiều tin loan truyền: nhân sự cấp cao trong Bộ chính trị đảng công sản VN (BCT) bị Bắc Kinh chi phối; và kinh tế, chính trị, quân sự phụ thuộc Bắc Kinh càng ngày cành nhiều.
Nhiều âm mưu đen tối giữa hai đảng cộng sản Tầu - Việt, dân ta hoàn toàn không được biết, nói chi đến đồng ý hay không.
Do đó, thái độ của dân tộc ta đối với biên giới trên bộ là:
Mọi công dân Việt Nam, trong cũng như ngoài nước đều có bổn phận bảo vệ lãnh thổ, tài nguyên của Việt Nam do tiền nhân để lại. Không một ai, một đoàn thể hay đảng phái nào trong bất cứ hoàn cảnh nào có thể nhân danh dân tộc Việt Nam ký kết những văn kiện bán nước cho ngoại bang. Do đó, dân tộc ta không bị ràng buộc bởi hiệp định phân định đường biên giới trên bộ ký kết 2001, Hà Nội dâng đất để được Tầu Cộng ủng hộ, hầu tiếp tục thống trị nhân dân ta. Nhân dân ta không coi những thỏa thuận ngầm giữa Hà Nội và Bắc Kinh là có giá trị.
Toàn bộ vấn đề biên giới trên bộ phải trở lại bản đồ do Pháp vẽ năm 1895 trên cả ba biên giới Việt Nam giáp Tầu, Lào và Campuchia. Sở dĩ phải dùng bản đồ này vì đây là bản đồ đầu tiên được vẽ một cách khoa học bởi các chuyên viên về địa dư của Pháp. Chỉ có dùng bản đồ biên giới do Pháp vẽ chúng ta mới hy vọng tránh khỏi những tranh chấp triền miên và tạo đuợc một nền hòa bình lâu dài cho bán đảo Đông Dương. Nhân dân ta cũng tố cáo trước dư luận trong nước và quốc tế sự hèn hạ của tập đoàn Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam để mất đất cho Tầu Cộng, nhưng lại đi hiếp đáp chiếm đất của Lào và Campuchia.
Phải kiên định lập trường này. Có thế, mới có thể đặt lại vấn đề với Tầu khi điều kiện lịch sử
cho phép.

  1. VẤN ĐỀ CHỦ QUYỀN TRÊN BIỂN ĐÔNG
Sau Hiệp định Geneva chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17 năm 1954.
Năm 1956 Tầu Cộng chiếm một số đảo ở phía Đông quần đảo Hoàng Sa.
14-9-1958 Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Chu Ân Lai công nhận Hoàng Sa thuộc Tầu Cộng.
Tháng Giêng năm 1974, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ quần đảo Hoàng Sa giao chiến với Hải Quân Tầu Cộng. Quần đảo này nằm ở 14o 30’ – 17o00’ độ vĩ bắc và 111o 30’- 114o00’ độ kinh đông, khoảng ngang ngoài khơi tỉnh Đà Nẵng. Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà đi vòng đánh từ Bắc xuống, Hải Quân Trung Cộng đánh bọc hậu từ phía Nam lên. Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thua, Tầu Cộng chiếm giữ đảo và cầm giữ một số tù binh nhưng đối xử tử tế và sau đó thả về. Sự việc xẩy ra chỉ hai ngày sau khi Ngoại Trưởng Mỹ Henry Kissinger gặp những nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Mỹ không lên tiếng và Hải Quân Mỹ đang tuần tra trong vùng khi xảy ra xâm lăng đã phớt lờ không can thiệp, bênh vực Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng điều kinh ngạc và nổi bật nhất là chính quyền Hà Nội đã không có một lời phản kháng.
Cũng năm 1974, Tầu Cộng, Việt Nam Cộng Hòa, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Brunei cùng lên tiếng đòi chủ quyền quần đảo Trường Sa khoảng ngang ngoài khơi Vũng Tàu.
30-4-1975    Quân đội Hà Nội chiếm Miền Nam Việt Nam, vi phạm Hiệp định Paris ‘Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam’.
Năm 1988 ngày 14 tháng 3 Tầu Cộng cho hải quân chiếm bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 1995 lại chiếm thêm bãi đá Vành Khăn cũng thuộc Trường Sa.  
Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ ký ngày 25-12-2000 nhằm xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ. Theo giới nghiên cứu Việt Nam bị thiệt thòi so với công ước Pháp – Thanh ký năm 1887;  trong khi đó Hà Nội nói phân chia này công bằng.
Biển nói chung trong kỷ nguyên Kỹ-thuật-cao

Lục địa chiếm có 29% diện tích của trái đất và nguồn tài nguyên sắp cạn vì bị khai thác qua bao thế kỷ qua. Trong khi đó, biển cả chiếm đến 71%, cũng là vỏ quả đất nên tài nguyên phong phú và đa dạng như trong đất liền, còn nguyên vẹn chưa từng bị khai thác vì không có kỹ thuật.
Kỷ nguyên Kỹ-thuật-cao cho phép khai thác tài nguyên dưới đáy biển. Các nước có bờ biển vội tuyên bố thềm lục địa của mình 200 hải lý để xí phần. Có vùng chồng lên nhau, gây tranh chấp.
Các siêu cường Kỹ-thuật-cao tính toán sao cho trong tương lai, khi có Luật khai thác Tài nguyên dưới đáy biển, họ thủ lợi nhiều hơn. Đã có đề nghị là chia theo chiều sâu: Đáy biển (trong hải phận quốc tế) sâu xuống xm thuộc về tất cả các nước, dù có bờ biển hay không. Xuống sâu hơn xm, ai có kỹ thuật thác thì tài nguyên kiếm được sẽ thuộc về người đó. Ai cũng biết, chỉ có các siêu cường giầu mới có điều kiện và Kỹ-thuật-cao khai thác ở độ sâu đó.
Các siêu cường Thái Bình Dương như Mỹ, Tầu, Nhật, Nga hiện đang tái bố trí chiến lược (hay còn gọi là xoay trục chiến lược). Quá trình hình thành, dần dần hiện ra ‘vùng ảnh hưởng’ cùng ‘phương cách làm chủ’ của các siêu cường này trên Thái Bình Dương, trong đó tự do lưu thông trên biển và trên không chiếm lĩnh hàng đầu.
Lập trường của dân tộc ta về HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA

Rồi đây, những nguyên tắc chính của Luật khai thác tài nguyên dưới đáy biển sẽ được biết dần qua các hội nghị quốc tế về biển trong những thập niên tới.
Xin nhắc lại, một bộ luật khác đã ra đời: Đó là Luật biển của LHQ năm 1982 (qui định lãnh hải, thềm lục địa…). Nhiều quốc gia đã thông qua, trừ Mỹ. Phải chờ sự tham gia của Mỹ vì Mỹ là cường quốc biển số 1.
Lúc đó chủ trương quốc tế hóa các đảo tranh chấp để khai thác kinh tế với quy chế hư chủ sẽ được ủng hộ mạnh mẽ, sau nhiều thập niên không có giải pháp.  Qui chế hư chủ là các nước tranh chấp là chủ, nhưng không được có các hoạt động quân sự và không có quyền quốc hữu hóa; ngược lại họ có quyền tham gia vào cuộc thương thảo trong việc khai thác vùng biển xung quanh các đảo này và chia lợi nhuận.
Theo Bill Hayton vừa xuất bản cuốn The South China Sea: the Struggle fo Power in Asia thì “… thực ra đường chữ U là việc nhà chức trách Trung Quốc vào thập niên 1930 đã hiểu nhầm và diễn dịch sai bản đồ của Anh Quốc theo đó dẫn tới sự hiểu nhầm về sự liên hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Tức là có sự hiểu nhầm là Biển Nam Trung Hoa là một phần thuộc về Trung Quốc.” và “ Vấn đề hiện nay là ở chỗ nhà chức trách Trung Quốc và người Trung Quốc tin rằng hoặc được dậy rằng Biển Nam Trung Hoa hay Biển Đông là thuộc về Trung Quốc về mặt lịch sử. Điều cần làm là nghiên cứu các dữ kiện lịch sử một cách trung lập để xem bên nào tuyên bố phần nào họ có chủ quyền. Tức là thay vì nói là chúng tôi sở hữu toàn bộ Tây Sa và Nam Sa hay Hoàng Sa và Trường Sa, các nước có thể nói rằng chúng tôi có thể chứng minh được rằng chúng tôi là bên đã có chủ quyền về một hòn đảo này hay đảo kia ở khu vực này hay khu vực kia và từ đó có thể bàn thảo với nhau”.
(Nguồn:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/10/141014_bill_hayton_noi_ve_sach_bien_dong).

Đối với những người tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam, phải thúc đẩy Dân Chủ Hóa nhanh nhất để có hậu thuẫn toàn dân phát triển nội lực; cũng như mới có căn bản pháp lý vững mạnh (do dân bầu) thì tiếng nói của Việt Nam trọng lượng hơn nhiều trên trường quốc tế khi thương thuyết các hải đảo tranh chấp./.

Bs Nguyễn Đan Quế
14-10-2014